Chứng chỉ tiền gửi là gì
Theo Thông tư số 14/VBHN-NHNN: Chứng chỉ tiền gửi là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành với người mua giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác.
Thực chất chứng chỉ tiền gửi là một loại giấy tờ có giá tương tự sổ tiết kiệm hay hợp đồng tiền gửi do ngân hàng phát hành để chứng nhận quyền sở hữu của khách hàng đối với một khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng.
Chứng chỉ tiền gửi tiếng anh là Certificate of deposit, viết tắt là CDs/ CD.
Lãi suất chứng chỉ tiền gửi (CCTG) thường là lãi suất cố định và trả cuối kỳ, theo đó lãi suất không thay đổi được áp dụng trong suốt thời hạn của chứng chỉ tiền gửi.
Đặc điểm và lợi ích của chứng chỉ tiền gửi
- Lãi suất hấp dẫn, thường cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm từ 1-2%
- Có tính an toàn và hiệu quả
- Có thể tự do chuyển nhượng như mua bán, cho tặng, trao đổi hay thừa kế
- Kỳ hạn dài, chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn thường 6 tháng, chứng chỉ tiền gửi dài hạn là 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng, 60 tháng
- Có thể tất toán trước hạn, một số sản phẩm không được tất toán trước hạn
- Mệnh giá mua tối thiểu của chứng chỉ tiền gửi cao hơn số tiền gửi tiết kiệm tối thiểu, thường từ 100 triệu đồng trở lên. Một số ngân hàng phát hành với mệnh giá từ 10 triệu đồng
- Phương thức trả lãi phổ biến là trả lãi cuối kỳ, một số loại trả lãi định kỳ
Kể cả ngân hàng và công ty tài chính đều có thể phát hành chứng chỉ tiền gửi, không giống như sản phẩm gửi tiết kiệm chỉ có ngân hàng được nhận tiền gửi, đọc thêm bài viết “Tại sao các công ty tài chính không được nhận tiền gửi” để hiểu thêm về sự khác biệt này!
Quy định về phát hành chứng chỉ tiền gửi
Quy định về tổ chức phát hành CCTG tại Điều 25 Thông tư 14 như sau:
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động tổ chức các đợt phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi theo quy định tại Điều 19 Thông tư này.
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tổ chức các đợt phát hành trái phiếu trong phạm vi kế hoạch phát hành của năm tài chính đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
- Chậm nhất vào ngày 10 của tháng đầu Quý tiếp theo ngay sau Quý báo cáo, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài báo cáo kết quả phát hành giấy tờ có giá, kết quả mua lại trái phiếu bằng văn bản theo mẫu quy định tại Phụ lục 01 và Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này về Ngân hàng Nhà nước (Vụ Chính sách tiền tệ; Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đặt trụ sở chính.
- Trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phát hành trái phiếu nhưng không tổ chức phát hành, chậm nhất vào ngày 10 tháng 1 năm sau, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước (Vụ Chính sách tiền tệ; Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng).
Quy định về chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi được quy định tại Điều 17 – Thông tư 14: Giấy tờ có giá được chuyển quyền sở hữu dưới các hình thức mua, bán, cho, tặng, trao đổi và thừa kế theo quy định của pháp luật. Riêng đối với trái phiếu chuyển đổi phát hành riêng lẻ, chứng quyền phát hành kèm theo trái phiếu phát hành riêng lẻ không được chuyển nhượng trong thời hạn tối thiểu 01 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành, trừ trường hợp chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Chứng chỉ tiền gửi có được bảo hiểm không?
Điều 18 Luật Bảo hiểm tiền gửi số 06/2012/QH13 về những loại tiền gửi được bảo hiểm, trong đó chứng chỉ tiền gửi là loại tiền gửi được bảo hiểm.
“Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, trừ các loại tiền gửi quy định tại Điều 19 của Luật này.”
Ưu và nhược điểm của chứng chỉ tiền gửi
Ưu điểm
- Tính an toàn và đảm bảo cao
- Lãi suất hấp dẫn, thường cao hơn 1-2% so với lãi suất gửi tiết kiệm
- Có thể chuyển nhượng, cầm cố, cho tặng, trao đổi hay thừa kế
- Dễ dàng cầm cố với lãi suất ưu đãi
- Là một trong những loại tiền gửi được bảo hiểm tiền gửi
- Thủ tục đơn giản.
Nhược điểm
- Kỳ hạn dài và một số chứng chỉ tiền gửi không được đáo hạn trước nên tính thanh khoản thấp hơn so với gửi tiết kiệm
- Mệnh giá mua tối thiểu khá cao, thường là 10 triệu hoặc có thể là 100 triệu
- Không tái ký gửi khi đến hạn.
Phân loại chứng chỉ tiền gửi
Hiện nay các ngân hàng phân loại chứng chỉ tiền gửi thành hai loại chính là:
- Chứng chỉ tiền gửi ghi danh là loại chứng chỉ tiền gửi phát hành theo hình thức chứng chỉ hoặc ghi sổ có ghi tên người sở hữu.
- Chứng chỉ tiền gửi vô danh là chứng chỉ tiền gửi được phát hành theo hình thức chứng chỉ không ghi tên người sở hữu. Giấy tờ có giá vô danh thuộc quyền sở hữu của người nắm giữ giấy tờ có giá.
Ngoài ra nhiều ngân hàng phân loại theo kỳ hạn đó là chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn thường là 6 tháng và chứng chỉ tiền gửi dài hạn từ 12 tháng trở lên.
Bên cạnh đó nhiều khách hàng thường gọi tên theo phương thức trả lãi bao gồm:
- CCTG trả lãi trước là việc bán giấy tờ có giá thấp hơn mệnh giá và người mua được thanh toán số tiền bằng mệnh giá khi đến hạn thanh toán.
- CCTG trả lãi một lần khi đến hạn thanh toán là việc thanh toán tiền lãi một lần cùng với tiền gốc khi đến hạn thanh toán.
- CCTG trả lãi theo định kỳ là việc trả lãi căn cứ vào phiếu trả lãi theo định kỳ do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận với người mua giấy tờ có giá.
Phân biệt chứng chỉ tiền gửi với gửi tiết kiệm và trái phiếu
Tiêu chí | Chứng chỉ tiền gửi | Gửi tiết kiệm có kỳ hạn | Trái phiếu ngân hàng |
Tính thanh khoản | Trung bình
– Một số loại được phép thanh toán trước hạn – Một số loại không được phép thanh toán trước hạn |
Cao
– Đáo hạn linh hoạt tại bất cứ thời điểm nào |
Thấp
– Không được phép thanh toán trước hạn |
Lãi suất | 6,5% – 9,5% | 4% – 8,5% | 6% – 8% |
Phương thức trả lãi | Đầu kỳ, giữa kỳ, cuối kỳ | Đầu kỳ, giữa kỳ, cuối kỳ | Cuối kỳ |
Kỳ hạn | 6 tháng, 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng… | Tuần
1 tháng, 3 tháng…12 tháng, 24 tháng… |
5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm |
Mệnh giá/số tiền tối thiểu | Thường từ 10 triệu hoặc từ 100 triệu | 500 nghìn, 1 triệu | 10 triệu |
Tự động tái tục | Không thực hiện tái ký gửi | Tự động gửi sang kỳ hạn mới theo kỳ hạn cũ | Tự động |
Chứng chỉ tiền gửi có an toàn không? và rủi ro của chứng chỉ tiền gửi là gì?
Bản chất chứng chỉ tiền gửi cũng là một hình thức gửi tiền tại ngân hàng nên được đảm bảo bởi tính an toàn và hiệu quả. Bên cạnh đó khách hàng mua chứng chỉ tiền gửi vẫn được bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước nếu không may xảy ra rủi ro đối với ngân hàng. Do đó chứng chỉ tiền gửi an toàn như sổ tiết kiệm và hợp đồng tiền gửi.
Thực tế rủi ro của chứng chỉ tiền gửi không đến từ phía ngân hàng mà đến từ phía người mua. Bởi vì kỳ hạn của loại hình này khá dài nên nếu người mua không cân đối được số tiền nhàn rỗi của mình mà phải dùng đến trong quá trình đang sở hữu chứng chỉ tiền gửi mà trong khi tính thanh khoản của loại hình này kém hơn so với gửi tiết kiệm.
Có nên mua chứng chỉ tiền gửi không?
So với các kênh đầu tư sinh lời hiện nay, chứng chỉ tiền gửi là kênh tiết kiệm kết hợp đầu tư rất an toàn và hiệu quả với lãi suất rất hấp dẫn. Do đó nếu như bạn đang có một khoản tiền nhàn rỗi thì nên mua chứng chỉ tiền gửi để đảm bảo khoản tiết kiệm cho tương lai đồng thời hưởng lãi suất cao.
Mua chứng chỉ tiền gửi ở đâu?
Rất đơn giản để mua chứng chỉ tiền gửi, bạn chỉ cần mang giấy tờ tùy thân đến ngân hàng để được hướng dẫn. Thủ tục cũng rất đơn giản và nhanh gọn với giấy đăng ký mua chứng chỉ tiền gửi và được ngân hàng xác nhận giấy tờ tùy thân của bạn, quá trình này diễn ra chưa đến 30 phút.
Đọc ngay bài viết: Lãi suất chứng chỉ tiền gửi ngân hàng nào cao nhất? để có lựa chọn tốt nhất giúp tiền của bạn sinh lời tốt trong tương lai.