Tài sản đảm bảo là gì?
Tài sản bảo đảm là tài sản mà bên bảo đảm dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên nhận bảo đảm – Theo NĐ 163/2006/CP. Hoạt động tín dụng của ngân hàng chứa đựng nhiều rủi ro, do đó tài sản bảo đảm tiền vay là một trong những cách thức nhằm gia tăng khả năng thu hồi nợ và giảm thiểu rủi ro tín dụng của ngân hàng.
Tài sản đảm bảo tiếng anh là Collateral hay còn gọi là tài sản thế chấp.
Vay có tài sản đảm bảo là gì và vay không tài sản đảm bảo là gì
Vay có tài sản bảo đảm là việc bên vay vốn dùng tài sản thuộc quyền sở hữu của mình để bảo đảm với bên cho vay về khả năng hoàn trả nợ vay của mình.
Vay không tài sản bảo đảm là việc bên đi vay dùng sự uy tín cá nhân và năng lực trả nợ của mình để vay vốn.
Phát mại tài sản đảm bảo là gì
Nếu khi đến hạn trả nợ mà người đi vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ hoặc không trả hết nợ cho ngân hàng thì ngân hàng được quyền phát mãi tài sản đảm bảo để thu nợ.
Phân loại tài sản đảm bảo trong tín dụng
Người đi vay rất quan tâm đến vấn đề tài sản đảm bảo gồm những gì để chuẩn bị trước cho khoản vay của mình. Nhưng trong ngân hàng, tài sản đảm bảo được phân loại khác nhau với từng hoạt động tín dụng. Có 4 loại tài sản đảm bảo trong hoạt động cho vay như sau:
1. Tài sản bảo đảm dùng để thế chấp
Nhóm tài sản đảm bảo dùng để thế chấp là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên vay thế chấp được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự với bên nhận thế chấp đó là ngân hàng. Tài sản bảo đảm này vẫn do bên đi vay thế chấp nắm giữ và chỉ giao giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản cho ngân hàng.
Nếu khi đến hạn mà người đi vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ hoặc không trả hết nợ cho ngân hàng thì ngân hàng được quyền phát mãi tài sản thế chấp để thu nợ. Nếu tài sản đảm bảo là toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp.
2. Tài sản bảo đảm dùng để cầm cố
Nhóm tài sản đảm bảo dùng để cầm cố là tài sản thuộc quyền sở hữu của bên cầm cố, tuy nhiên nó sẽ được giao hẳn cho bên nhận cầm cố nắm giữ, khi đến hạn người đi vay không trả nợ bên cho vay thì bên cho vay sẽ phát mãi tài sản cầm cố hoặc tiếp nhận tài sản cầm cố để thu nợ.
Tài sản cầm cố bao gồm các loại tài sản như:
- Tiền trên tài khoản / ký gửi / ký quỹ…
- Cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu, thương phiếu, sổ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, hay các giấy tờ khác giá trị được bằng tiền
- Hàng hóa, nhưng phải là hàng hóa dễ bảo quản, chi phí bảo quản không quá lớn. Kho cầm giữ do bên cho vay lựa chọn.
3. Tài sản bảo đảm là bảo lãnh của bên thứ ba
Tài sản bảo đảm là bảo lãnh của bên thứ ba là việc bên thứ ba (hay gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên cho vay về việc sử dụng tài sản thuộc sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho bên đi vay, nếu đến hạn trả nợ mà bên đi vay không thực hiện hoặc không thể thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ.
4. Tài sản đảm bảo là tài sản hình thành trong tương lai
Tài sản hình thành trong tương lai là tài sản tại thời điểm giao kết chưa hình thành hoặc đã hình thành nhưng chưa thuộc sở hữu của bên đi vay thế chấp/cầm cố.
Điều kiện vay vốn bằng tài sản hình thành trong tương lai là tài sản thuộc quyền sở hữu của bên đi vay, tài sản được xác định danh mục, số lượng, giá trị, đặc điểm của tài sản và tài sản được phép giao dịch, không có tranh chấp.
Như vậy, qua bài viết bạn đã hiểu đầy đủ về tài sản đảm bảo là gì và đặc điểm cũng như cách phân loại tài sản đảm bảo trong hoạt động tín dụng.